Bạn thấy giao diện website thế nào?
|
|
|
|
|
Tuổi thơ của thế hệ chúng tôi chắc sẽ chẳng thể nào quên được những câu văn đẫm sắc như thơ của Thép Mới: Nước Việt Nam xanh muôn ngàn cây lá khác nhau. Cây nào cũng đẹp, cây nào cũng quý. Nhưng thân thuộc nhất vẫn là tre, nứa. Tre Đồng Nai, nứa Việt Bắc. Tre ngút ngàn Điện Biên Phủ. Luỹ tre thân mật làng tôi… Đâu đâu cũng có nứa tre làm bạn.
Những câu văn trên ru ta vào say ngủ cùng những giấc mơ có tiếng tre kẽo kẹt, thì thào với cái thĩ thầm da diết - Thân gầy guộc, lá mỏng manh/ Mà sao nên luỹ nên thành tre ơi! Ngày ấy, chẳng bao giờ tôi nghĩ lại có một ngày ta phải nhập vào những mặt hàng như tăm tre, đũa tre, chiếu tre?
1. Trước hết, chúng ta phải xác định được rằng sở dĩ nhiều người Việt Nam chưa mặn mà với hàng hoá của mình làm ra là do chất lượng chưa cao. Cái tăm của 50 năm trước, khi tôi biết dùng nó, chẳng khác gì so với bây giờ. Sự đổi thay chậm chạp đến khó hiểu của lối mòn nhận thức theo cách tháng Chạp là tháng trồng khoai là điều phổ biến. Ở đây có hai điều cần bàn. Một là, tại sao người sản xuất không nghĩ, không tìm cách để cái lâu nay vẫn bán được tốt hơn, hoàn hảo hơn trong phạm vi có thể nhất? Hai là, tại sao ta không phát huy những lợi thế mà mình có, thay vì chạy theo, đuổi theo cái ta không thể vì cơ cấu kỹ thuật còn lạc hậu, vì mức sống – thu nhập còn thấp? Cũng là một chiếc áo nhưng hàng Việt Nam phải đơm thêm chỉ cho cúc áo bởi nó sơ sài quá, dễ đứt, dễ bung. Cái chi tiết nhỏ nhặt ấy hoá ra là sự khó chịu dai dẳng của người tiêu dùng. Ai chẳng muốn sản phẩm mà mình mua về có sự hoàn hảo tối đa? Bạn hãy thử cầm một chiếc áo do người Việt Nam sản xuất lên “xăm soi” mà xem, dù là hàng xịn, vẫn thấy rất rõ những đường chỉ may không đều. Những ví dụ tương tự có nhiều lắm. Ăn xổi, ở thì là điều chẳng ai thích bao giờ!
2. Tất cả những nước mới phát triển đều có căn bệnh mãn tính là thói trưởng giả. Sính hàng ngoại, để ta đây prồ, là tâm lý chung của mọi nhà giàu mới phất. Người nghèo đua theo cho liền chị, liền em. Cơn lốc mua sắm hàng ngoại trở thành một lực cản đối với sự phát triển của hàng nội. Cách đây đúng 90 năm (1919), phong trào “Chấn hưng nội hoá, bài trừ ngoại hoá” là một trong những phong trào đấu tranh theo xu hướng dân chủ - yêu nước sôi nổi, mạnh mẽ. Bây giờ, thời hội nhập, không có chuyện bài trừ ngoại hoá nhưng chấn hưng nội hoá vẫn là điều nên và nhất thiết phải làm. Tại sao trường học không dạy cho học sinh phải yêu mến, quan tâm hàng hoá do Việt Nam sản xuất? Giáo dục cho trẻ (mai sau là người lớn) cái ý thức mỗi người là một chiếc lá xanh trong một miền cỏ xanh tươi của sự ấm no, hạnh phúc. Cần lắm chứ? Ý thức dân tộc không phải là những lý thuyết cao xa, kỳ vĩ mà nó hiển hiện mỗi ngày trong cuộc sống của mỗi con người. Tôi lại trở về với chuyện của cái tăm tre: Thật là xót xa khi ngay đến cả tăm cũng phải dùng của nước ngoài!
3. Dùng hàng xuất khẩu để kích thích tiêu thụ hàng nội là điều lâu nay chúng ta quên. Xin kể một câu chuyện cũ: Rabhindranath Tagore (1861-1941) làm thơ, đăng thơ nhưng chẳng có người Ấn Độ nào khen hay. Chỉ sau khi ông nhận được giải Nobel (1913) thì cả Ần Độ mới lên cơn sốt vì quả thật, đến lúc đó, họ mới biết, thơ ông hay quá thể(!) Tại sao những mặt hàng như quần áo, giày da xuất khẩu… của ta không được quảng bá rầm rộ cho người trong nước biết? Tây còn nhập ào ào, tại sao ta lại không dùng? Nhà nước phải đứng ra hỗ trợ cho những chiến dịch ấy. Những mặt hàng nào, của doanh nghiệp nào, xuất khẩu với số lượng nhiều ra nước ngoài phải được Nhà nước quảng bá miễn phí (hoặc thu rất ít phí) trên các phương tiện truyền thông. Làm được như thế thì người tiêu dùng trong nước sẽ hiểu nội mà như ngoại.
Có một loại hàng hoá không thể không bàn là hàng (tour) do ngành du lịch bán ra. Tại sao rất nhiều khách du lịch nước ngoài (80%) một đi không trở lại? Trong rất nhiều nguyên nhân, sự chặt chém du khách, làm phiền du khách là một trong những lý do quan trọng nhất. Phải dẹp bỏ tất cả mọi sự đeo bám du khách lằng nhằng và phải tác động, giải thích sao cho tất cả các chủ nhà hàng, khách sạn hiểu rằng kinh doanh không phải là công việc của một ngày, một lúc. Người Việt yêu hàng Việt là mục tiêu cần. Nhưng, người nước ngoài cũng yêu hàng Việt mới là lợi ích đủ. Tình cảm, sự quyến luyến, cái đáng nhớ vì không thể quên là điều ngành du lịch Việt Nam nói riêng, tất cả các ngành sản xuất khác nói chung phải lưu ý. Trong kinh tế học, đây gọi là kích cầu gián tiếp. Càng có nhiều người nước ngoài đến Việt Nam bao nhiêu thì sự yêu hàng Việt càng thuận lợi bấy nhiêu. Đó là sự cộng hưởng, đa chiều của tích số cung - cầu. Chúng có liên quan chặt chẽ với nhau. Chúng ta nên nghĩ rằng nếu chỉ có người Việt Nam yêu hàng Việt Nam thì luôn luôn vẫn là chưa đủ.
Hàng Việt Nam sẽ được quý trọng (người tiêu dùng nhất thiết thấy cần) khi mỗi sản phẩm làm ra luôn luôn hướng tới mục đích tốt nhất có thể, khi bất cứ người sản xuất nào cũng tin rằng thương hiệu là yếu tố quyết định nhất đối với tâm lý người mua, khi - dẫu chỉ là một que tăm mỏng manh thôi, cũng có thể “nên luỹ, nên thành” của ước mong và hiện thực.
Đinh Thiện
Các tin khác
|
|
|
|
|
|
Tổng số: 0 sản phẩm
Tổng tiền: 0 VND
Lượt truy cập:19873327
Đang online:983
|